San Pedro, California, một buổi sáng sớm mùa Đông của một năm đã xa lắm.
Tôi cho hai lát bánh sandwich vào máy nướng, ít phút sau mùi bánh thơm lừng dậy lên ấm cả gian bếp. Có tiếng lóc cóc của giày cao gót bước xuống chiếc cầu thang gỗ, từ bà host đã có tuổi, tóc quăn vàng, luôn trong trang phục chỉnh tề và điệu đàng. Bà host người Mỹ sống độc thân, sáng sáng lái xe đi làm, chiều về dọn dẹp nhà cửa. Bà có hai ông bạn trai lớn tuổi hơn. Tối các thứ Hai Tư Sáu bà ăn tối với ông người Mỹ gốc Âu, tối Ba Năm bà ăn với ông người Mỹ gốc Mễ, (thu xếp gọn gàng), thứ Bảy con gái bà dẫn cháu về thăm hoặc bà đi thăm bạn bè, cả ngày Chủ Nhật bà ở nhà làm việc nhà, đọc sách. Sáu tháng tôi ở đó, thấy bà đọc hai, ba quyển sách cùng lúc. Một quyển dày cui đặt ở bàn bếp, tôi ko còn nhớ tên. Một quyển úp trên giường ngủ, lúc bà nhờ tôi lên phòng ngủ lấy dùm cái khăn, tôi không đọc kịp tựa, mà đọc được chắc cũng không nhớ nổi. Quyển còn lại, là ngày tôi mới đến, bà chỉ vào quyển sách đang nằm úp trên chiếc ghế gỗ bập bênh cạnh lò sưởi phòng khách và khoe, “tao đang đọc quyển Life of A Geisha”. Chắc bà nghĩ, người Á Châu có cùng nguồn gốc văn hoá, hoặc cùng một dòng giống cùng một tổ tiên, cũng có thể chỉ vì bà thấy tôi có nhan sắc như người geisha bà tưởng tượng. Ngoài ra thì tôi không thấy có lý do gì khiến bà hớn hở như thế.
Tiếng lóc cóc của đôi giày cao gót đến giữa chừng câu thang gỗ, thì có thêm tiếng bà host chen lẫn hoà vào, “thơm quá, tao thích mùi này, tiếng nói tiếng cười trong nhà cũng không mang lại không khí ấm cúng của gia đình bằng mùi thơm từ gian bếp mỗi buổi sáng.”
Ngày đó tôi chưa có biết đến cà phê. Nếu gặp tôi của bây giờ, chắc bà sẽ nói “tao thích luôn mùi cà phê, nó là mùi hạnh phúc sum vầy của cả một gia tộc “. Nếu gặp tôi của bây giờ, chắc bà sẽ nói “tao thích mùi crossaint nhập từ Pháp của quán mày, tao ăn thấy ngon quá” (sẽ ngon đến mức bà không còn nhớ gì đến gia đình)
Từ đó, ngày nào không phải đi sớm thì tôi cũng ráng dậy sớm, nướng bánh ăn trước khi bà đi làm. Bánh chỉ mình tôi ăn, nhưng mùi thơm của nó, với sự trợ giúp của khí hậu ở San Pedro, sau này tôi mới nhận ra, ám cả lên tất cả các món đồ gỗ rất nhiều trong nhà.
Sắp đến ngày tôi rời đi, bà có chút bịn rịn, y như tôi sắp mang đi mất của bà mùi vị của gia đình. Tôi nói với bà tôi sẽ liên lạc với bà. Bà nói, “ai cũng nói với tao như vậy, và cuối cùng tao không nhận được tin của ai”. Không có chút hờn trách nào trong câu nói của bà. Một người sống hơn nữa đời người hẳn là người luôn tự tìm được lý do cho mọi việc. Tôi nói với bà là bà “hãy yên tâm”, tôi ưỡn ngực ra như để bản thân mình ghim chắc vào lời nói của chính mình, “tôi là người khác”.
Ngày tôi rời đi, Geisha vẫn nằm úp trên chiếc ghế bập bênh cạnh lò sưởi, nhưng đã gần đến trang cuối. Tôi mang theo mình mùi hương của lát bánh cuối cùng tôi nướng ở gian bếp sáng hôm đó. Tôi mang theo mình tiếng còi hụ từ những con tàu chở hàng cập bến cảng San Pedro cách đó dăm phút lái xe. Tôi mang theo mình lời hứa, mà cuối cùng tôi chỉ làm được duy nhất một lần vào mùa Giáng Sinh của năm kế, với tấm thiệp và dòng chữ trước khi ký tên, “là tôi, người khác”.
Tôi bây giờ vẫn còn trẻ hơn bà host của năm tháng xa xăm đó, có lẽ vì thế mà mỗi buổi sáng khi mùi bánh croissant dậy lên thơm lừng trong quán, tôi lại nhớ đến bà, nhưng vẫn chưa tự tìm ra được cho mình lý do nào để bào chữa cho việc bao nhiêu năm tháng qua tôi chỉ làm "người khác" được có một lần.
Comments